Tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh

Lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 4 giảm hai chữ số, về mức thấp thứ hai kể từ năm 2022, dù giá liên tục giảm.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 4 đạt hơn 735.000 tấn, giảm 17% so với tháng trước và 15% so với cùng kỳ. Từ năm 2022 đến nay, đây là mức tiêu thụ thấp thứ hai mà thị trường ghi nhận.

Tiêu thụ kém khiến sản xuất thép xây dựng cũng đình trệ hơn. Trong tháng 4, cả nước sản xuất hơn 710.000 tấn, giảm 22% so với tháng trước và 37% so với cùng kỳ. Đây là con số thấp nhất từ năm 2022 đến nay.

Kết quả kinh doanh trong tháng 4 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – doanh nghiệp nắm khoảng một phần ba thị phần thép xây dựng cả nước, cũng cho thấy tình trạng tương tự. Theo ban lãnh đạo HPG, nhu cầu thép xây dựng tại Việt Nam và thế giới vẫn ở mức thấp. Đây là nguyên nhân khiến sản phẩm này của Hòa Phát chỉ đạt hơn 214.000 tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng, HPG bán hơn một triệu tấn thép xây dựng, giảm 34%.

Nhu cầu giảm khiến các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh giá bán thép. Hôm 19/5, Hòa Phát tiếp tục hạ giá thép thanh vằn D10 CB300 thêm 200.000 đồng về 15,09 triệu đồng một tấn. Mức giảm 150.000-250.000 đồng mỗi tấn cũng được các hãng Việt Ý, Việt Đức, Thép Miền Nam, Việt Nhật, Pomina, Tung Ho… áp dụng.

Như vậy, từ đầu tháng 4 tới nay, giá thép đã có 6 lần giảm giá đồng loạt. Hiện giá hai loại thép phổ biến CB240 và D10 CB300 đang về quanh mức 15 triệu đồng một tấn. Mặt bằng giá này tương đương mức nền hồi tháng 10 năm ngoái – thời điểm nhu cầu tiêu thụ thép bắt đầu suy thoái mạnh.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng thống kê được giá thép đảo chiều giảm mạnh từ giai đoạn cuối tháng 4. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào sau đợt tăng giá mạnh đã cho thấy sự hạ nhiệt, quặng sắt và thép phế trở lại vùng giá thấp của năm 2020, than cốc cũng giảm trong bối cảnh giá các năng lượng sụt dần. Thời gian tới, áp lực hạ giá thép vẫn còn lớn khi triển vọng nhu cầu ảm đạm do lãi suất cao.

VCBS đánh giá thị trường bất động sản dân dụng chưa ghi nhận nhiều biến chuyển thực sự. Thị trường xây dựng dân dụng bị tác động tiêu cực bởi sự sụt giảm nguồn cung tiềm năng từ các chủ đầu tư và nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân suy yếu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất vẫn ở mức khá cao. Trước tình trạng trên, nguồn cung tiềm năng trong tương lai giảm mạnh trong quý I, về mức thấp trong nhiều năm, phần nào thể hiện sự khó khăn trong nhu cầu tiêu thụ thép trong các quý tiếp theo.

Triển vọng ngành thép trong nước có thể tương đồng với dự báo trên thị trường quốc tế. Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu trong năm 2023 sẽ phục hồi 2,3% đạt hơn 1.820 tỷ tấn và 1,7% tương đương hơn 1.850 tỷ tấn vào năm 2024. Đơn vị này lưu ý rằng, sản xuất dự kiến dẫn đầu sự phục hồi, nhưng lãi suất cao vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ thép.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *